Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2010

Nợ quốc gia đã tăng sát mức trần cho phép

NGUYỄN LÊ
09:59 (GMT+7) - Thứ Bảy, 8/5/2010

Điều hành ngân sách và đảm bảo an ninh tài chính trong năm 2010 sẽ gặp nhiều khó khăn hơn năm 2009

Mức dư nợ Chính phủ và nợ quốc gia tăng sát mức trần cho phép, điều hành ngân sách và đảm bảo an ninh tài chính trong năm 2010 sẽ gặp nhiều khó khăn hơn năm 2009…

Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã đưa ra cảnh báo này khi đánh giá tình hình thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2009 và những tháng đầu năm 2010 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 7/5.

Những con số được dẫn trong báo cáo cho thấy nợ Chính phủ đang tăng cao: từ 33,8% GDP năm 2007 đến năm 2008 là 36,2%GDP và năm 2009 chiếm 41,9%GDP.

Cuối năm 2010, nợ chính phủ sẽ chiếm 44,6%GDP, do điều chỉnh tăng bội chi ngân sách lên trên 5% GDP (năm 2009 là 6,9% GDP và năm 2010 là 6,2% GDP), cùng với việc tăng phát hành trái phiếu chính phủ (trong hai năm 2009 và 2010 là 120.000 tỷ đồng), cơ quan thẩm tra lo ngại.

Bản báo cáo thẩm tra cũng chỉ ra rằng, khi nợ quốc gia tăng sát mức an toàn, vay nợ trong nước và nước ngoài gặp khó khăn và phải vay với lãi suất cao, dẫn tới an ninh tài chính quốc gia đứng trước khó khăn cho các năm sau. Do vậy, mục tiêu cơ cấu lại ngân sách, giảm bội chi ngân sách, tăng cường trả nợ là nhiệm vụ cấp thiết cần được chú trọng trong các năm tới.

Phát biểu tại phiên thảo luận chiều 7/5, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai "rất tâm tư" khi bội chi ngân sách chưa giảm và năm nào nợ chính phủ cũng tăng khá nhanh, đã tiệm cận mức không an toàn. “Đề nghị Chính phủ và Quốc hội quan tâm nhiều hơn, nếu không thì có thể đến năm 2012 nợ Chính phủ sẽ “vươn” đến mức không an toàn”, bà Mai nói.

Bên cạnh an ninh tài chính, bội chi ngân sách và kỷ luật tài chính cũng là những vấn đề khiến cả cơ quan thẩm tra và nhiều vị ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tỏ ra lo ngại. Tại diễn đàn Quốc hội, đây cũng là vấn đề được nhiều vị đại biểu quan tâm, mổ xẻ và không ít lời phê phán khá nặng nề.

Mừng vì thu ngân sách Nhà nước năm 2009 không bị hụt như dự báo mà còn vượt dự toán lớn (52.440 tỷ đồng) song nhiều ý kiến đồng tình với phân tích của cơ quan thẩm tra. Đó là trong điều kiện an ninh tài chính chưa đảm bảo vững chắc, mức dư nợ Chính phủ và dư nợ quốc gia ở mức cao nhưng vẫn giữ mức bội chi ngân sách 6,9%GDP là chưa hợp lý và cũng là một hạn chế trong điều hành ngân sách Nhà nước năm 2009.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, trong những năm tới mục tiêu giảm bội chi ngân sách Nhà nước phải được ưu tiên hàng đầu để đảm bảo tình hình tài chính quốc gia vững mạnh trong trung và dài hạn, góp phần kiểm soát lạm phát và đảm bảo ổn định vĩ mô. Vì vậy, cần tích cực rà soát lại các chính sách để đảm bảo thứ tự ưu tiên và giảm bội chi ngân sách một cách hợp lý.

Đa số ý kiến trong ủy ban đề nghị Chính phủ trong những năm tới cần thực hiện bội chi ngân sách Nhà nước trong giới hạn 5% GDP đã được Quốc hội quyết định, lấy vấn đề hiệu quả sử dụng vốn vay làm mục tiêu quan trọng hàng đầu trong việc quản lý, điều hành chi ngân sách.

Cũng nằm trong những vấn đề “cần lưu ý” của chi ngân sách, cơ quan thẩm tra đánh giá, tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, chuyển nguồn lớn vẫn chậm được khắc phục, dẫn tới hiệu quả nhiều chương trình, dự án không cao.

Hệ số ICOR (đo lường số đơn vị đầu tư tính theo % GDP để tạo ra một đơn vị tăng trưởng GDP) tăng lên nhanh chóng: năm 2007 là 5,2; 2008 là 6,6 và 2009 đã tăng lên trên 8. Do đó, theo cơ quan thẩm tra, điều này đòi hỏi cần tiếp tục rà soát lại các chương trình, dự án, cương quyết loại bỏ các chương trình dự án kéo dài, kém hiệu quả nâng cao chất lượng các dự án, cần lấy hiệu quả làm chính.

Và, một trong những kiến nghị thực hiện dự toán ngân sách năm 2010 được ủy ban nêu ra là : thận trọng với những dự án đầu tư đòi hỏi nguồn vốn ngân sách lớn. Đề nghị Chính phủ hạn chế việc khởi công những dự án mới nhằm tránh những rủi ro của việc không bố trí được nguồn vốn, nhất là trong điều kiện huy động vốn trên các thị trường tài chính trong nước và quốc tế chi phí rất cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro, cũng như tác động trái chiều đến nền kinh tế.---- theo VnEconomy -------

1 nhận xét:

  1. Phạm Hữu Thuận
    23:17 (GMT+7) - Chủ Nhật, 9/5/2010

    Phải chăng là dự án và vốn đi là hai ngả song song nên không bao giờ gặp nhau?

    Tôi cho rằng, cách thức quản lí vốn và hiệu suất vốn/dự án đầu tư của chúng ta còn mập mờ và kém hiệu quả. Tôi cho rằng, khi dự án được cấp phép, phải có thời hạn kết thúc, nguồn vốn dự tính sẵn và sai lệch do thị trường trong +5% và -5% là hiệu quả.

    Dự án kém khả thi là không nên cho cấp phép. Dự án nào là cấp thiết nên ưu tiên.

    Và tôi cho rằng, không nên chỉ lũng đoạn vốn cho hai thành phố lớn vì tôi thấy hiệu suất sử dụng vốn vào đầu tư công trình không thật sự hiệu quả. Phát triển của đất nước nên theo vùng và vốn phải được hoạch định trước. Kèm theo đó nên giải ngân những dự án lớn để có thể làm đầu tàu cho phát triển đất nước.

    Tôi mong, thời gian tới, đồ thị kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc. Và kính mong tòa soạn dành chút thời gian bình xét về ý kiến chủ quan của tôi.

    Kính chào. Trần Văn Phong
    03:21 (GMT+7) - Chủ Nhật, 9/5/2010

    Gửi anh Trương Quốc Hùng: nước Mỹ khác hoàn toàn với Việt Nam, đồng USD có vị trí khác hoàn toàn với VND. Vì thế cứ bắt chước cách thức làm của người khác mà không hiểu được tại sao họ làm vậy thì sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Nguyễn Hữu Thành
    12:52 (GMT+7) - Thứ Bảy, 8/5/2010

    Đã đến lúc phải cấu trúc lại các thành phần kinh tế sau nhiều năm tăng trưởng dựa vào đầu tư với hiệu quả sử dụng vốn thấp. Cần một thể chế mới cho những anh chàng to lớn thuộc sở hữu nhà nước (to big to exist) và thêm cơ hội cho khu vực tư nhân. Trương Quốc Hùng
    12:37 (GMT+7) - Thứ Bảy, 8/5/2010

    Hãy dùng vốn ODA chưa thể giải ngân lập dự án giải trừ nợ quốc gia theo kiểu TARP của Mỹ. Từ đó có thể hóa giải nợ không ưu đãi thành nợ ưu đãi. Đồng thời nâng cao được hạn mức tín nhiệm của quốc gia

    Trả lờiXóa