Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2010

Đề nghị hạn chế tỷ lệ góp vốn vào tổ chức tín dụng

▪ NGUYÊN BÌNH
16:14 (GMT+7) - Thứ Năm, 6/5/2010


Có thể sẽ có quy định mới nhằm hạn chế "khả năng lũng đoạn" của các cổ đông tại ngân hàng thương mại



Tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (6/5) về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), một số ý kiến cho rằng đã có ngân hàng lớn bị chi phối bởi một số nhóm cổ đông.

Đây cũng là lý do để dự luật có những quy định mới, "nhằm hạn chế khả năng lũng đoạn của các tổ chức có thể kiểm soát được hoạt động của các ngân hàng thương mại thông qua việc nắm giữ số lượng lớn cổ phần tại ngân hàng".

Theo đó, một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% (quy định hiện hành là 10%) vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng; một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng; cổ đông cùng những người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng .

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị vẫn giữ mức giới hạn sở hữu cổ phần của một cổ đông là tổ chức không quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng như quy định hiện hành, vì thực tế cho thấy trong giai đoạn đầu, nhiều tổ chức tín dụng cần thu hút cổ đông chiến lược là ngân hàng, tập đoàn kinh tế - tài chính để được giúp đỡ công nghệ và kinh nghiệm quản lý của các cổ đông này.

Có ý kiến cũng dẫn chứng, qua tham khảo pháp luật một số nước, quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần mà pháp nhân được nắm giữ là từ 20-30% vốn của một tổ chức tín dụng. Hơn nữa, quy định hiện hành đang áp dụng là: tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là cá nhân không quá 10% và là một tổ chức không quá 20%. Quá trình thực hiện vừa qua không phát sinh khó khăn gì.

Trước những ý kiến còn khác nhau này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên gợi ý, có thể tính đến phương án dung hòa, tức giới hạn sở hữu cổ phần của một cổ đông là tổ chức không quá 15%.

Bên cạnh hạn chế tỷ lệ vốn góp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ khi ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật có các quy định cụ thể về việc kê khai nguồn gốc tiền của các cá nhân, tổ chức góp vốn thành lập tổ chức tín dụng.

Cũng liên quan đến yêu cầu quản lý chặt chẽ, bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, dự thảo luật quy định tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng cho người quản lý, người điều hành (thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, ban kiểm soát, tổng giám đốc và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng) hoặc pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát của tổ chức tín dụng cổ phần, pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của tổ chức tín dụng.

Mục đích chủ yếu của các quy định này là nhằm hạn chế các hoạt động cấp tín dụng trong nội bộ một tổ chức tín dụng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho biết.

Góp ý hoàn thiện dự luật này, một vấn đề khác cũng còn đang gây tranh cãi là có nên cấm ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp tín dụng cho đầu tư, kinh doanh cổ phiếu?

Cơ quan thẩm tra đã đề xuất hai phương án để xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Một là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu. Hai là tổng mức dư nợ cấp tín dụng và điều kiện cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước quy định trong từng thời kỳ.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình phân tích, nguy cơ rủi ro của việc cấp tín dụng để đầu tư kinh doanh cổ phiếu là rất cao, nên ngân hàng thương mại không nên trực tiếp đầu tư cho vay cổ phiếu.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền thì cho rằng, không phải cứ khó khăn là cấm, nhưng phải có hành lang để kiểm soát việc này.
theo VnEconomy

Nợ quốc gia đã tăng sát mức trần cho phép

NGUYỄN LÊ
09:59 (GMT+7) - Thứ Bảy, 8/5/2010

Điều hành ngân sách và đảm bảo an ninh tài chính trong năm 2010 sẽ gặp nhiều khó khăn hơn năm 2009

Mức dư nợ Chính phủ và nợ quốc gia tăng sát mức trần cho phép, điều hành ngân sách và đảm bảo an ninh tài chính trong năm 2010 sẽ gặp nhiều khó khăn hơn năm 2009…

Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã đưa ra cảnh báo này khi đánh giá tình hình thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2009 và những tháng đầu năm 2010 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 7/5.

Những con số được dẫn trong báo cáo cho thấy nợ Chính phủ đang tăng cao: từ 33,8% GDP năm 2007 đến năm 2008 là 36,2%GDP và năm 2009 chiếm 41,9%GDP.

Cuối năm 2010, nợ chính phủ sẽ chiếm 44,6%GDP, do điều chỉnh tăng bội chi ngân sách lên trên 5% GDP (năm 2009 là 6,9% GDP và năm 2010 là 6,2% GDP), cùng với việc tăng phát hành trái phiếu chính phủ (trong hai năm 2009 và 2010 là 120.000 tỷ đồng), cơ quan thẩm tra lo ngại.

Bản báo cáo thẩm tra cũng chỉ ra rằng, khi nợ quốc gia tăng sát mức an toàn, vay nợ trong nước và nước ngoài gặp khó khăn và phải vay với lãi suất cao, dẫn tới an ninh tài chính quốc gia đứng trước khó khăn cho các năm sau. Do vậy, mục tiêu cơ cấu lại ngân sách, giảm bội chi ngân sách, tăng cường trả nợ là nhiệm vụ cấp thiết cần được chú trọng trong các năm tới.

Phát biểu tại phiên thảo luận chiều 7/5, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai "rất tâm tư" khi bội chi ngân sách chưa giảm và năm nào nợ chính phủ cũng tăng khá nhanh, đã tiệm cận mức không an toàn. “Đề nghị Chính phủ và Quốc hội quan tâm nhiều hơn, nếu không thì có thể đến năm 2012 nợ Chính phủ sẽ “vươn” đến mức không an toàn”, bà Mai nói.

Bên cạnh an ninh tài chính, bội chi ngân sách và kỷ luật tài chính cũng là những vấn đề khiến cả cơ quan thẩm tra và nhiều vị ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tỏ ra lo ngại. Tại diễn đàn Quốc hội, đây cũng là vấn đề được nhiều vị đại biểu quan tâm, mổ xẻ và không ít lời phê phán khá nặng nề.

Mừng vì thu ngân sách Nhà nước năm 2009 không bị hụt như dự báo mà còn vượt dự toán lớn (52.440 tỷ đồng) song nhiều ý kiến đồng tình với phân tích của cơ quan thẩm tra. Đó là trong điều kiện an ninh tài chính chưa đảm bảo vững chắc, mức dư nợ Chính phủ và dư nợ quốc gia ở mức cao nhưng vẫn giữ mức bội chi ngân sách 6,9%GDP là chưa hợp lý và cũng là một hạn chế trong điều hành ngân sách Nhà nước năm 2009.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, trong những năm tới mục tiêu giảm bội chi ngân sách Nhà nước phải được ưu tiên hàng đầu để đảm bảo tình hình tài chính quốc gia vững mạnh trong trung và dài hạn, góp phần kiểm soát lạm phát và đảm bảo ổn định vĩ mô. Vì vậy, cần tích cực rà soát lại các chính sách để đảm bảo thứ tự ưu tiên và giảm bội chi ngân sách một cách hợp lý.

Đa số ý kiến trong ủy ban đề nghị Chính phủ trong những năm tới cần thực hiện bội chi ngân sách Nhà nước trong giới hạn 5% GDP đã được Quốc hội quyết định, lấy vấn đề hiệu quả sử dụng vốn vay làm mục tiêu quan trọng hàng đầu trong việc quản lý, điều hành chi ngân sách.

Cũng nằm trong những vấn đề “cần lưu ý” của chi ngân sách, cơ quan thẩm tra đánh giá, tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, chuyển nguồn lớn vẫn chậm được khắc phục, dẫn tới hiệu quả nhiều chương trình, dự án không cao.

Hệ số ICOR (đo lường số đơn vị đầu tư tính theo % GDP để tạo ra một đơn vị tăng trưởng GDP) tăng lên nhanh chóng: năm 2007 là 5,2; 2008 là 6,6 và 2009 đã tăng lên trên 8. Do đó, theo cơ quan thẩm tra, điều này đòi hỏi cần tiếp tục rà soát lại các chương trình, dự án, cương quyết loại bỏ các chương trình dự án kéo dài, kém hiệu quả nâng cao chất lượng các dự án, cần lấy hiệu quả làm chính.

Và, một trong những kiến nghị thực hiện dự toán ngân sách năm 2010 được ủy ban nêu ra là : thận trọng với những dự án đầu tư đòi hỏi nguồn vốn ngân sách lớn. Đề nghị Chính phủ hạn chế việc khởi công những dự án mới nhằm tránh những rủi ro của việc không bố trí được nguồn vốn, nhất là trong điều kiện huy động vốn trên các thị trường tài chính trong nước và quốc tế chi phí rất cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro, cũng như tác động trái chiều đến nền kinh tế.---- theo VnEconomy -------

Nên sửa Luật Hợp tác xã

11:04 (GMT+7) - Thứ Sáu, 14/5/2010

Ông Nguyễn Minh Tú, Vụ trưởng Vụ Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần sửa Luật Hợp tác xã, vì lợi ích của nông dân

Hệ thống hợp tác xã, đặc biệt là các hợp tác xã nông nghiệp đang sở hữu một lực lượng lao động đông đảo nhưng đóng góp vào tổng thu nhập quốc dân lại giảm liên tục trong 15 năm vừa qua. Phải chăng sự "cập kênh" trong hệ thống văn bản pháp luật về hợp tác xã đang làm hạn chế sức phát triển của khu vực này?

Ông Nguyễn Minh Tú, Vụ trưởng Vụ Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần sửa Luật Hợp tác xã, vì lợi ích của nông dân.

Tại Hội thảo về triển vọng và thị trường nông sản Việt Nam 2010 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây tại Tp.HCM, ông đã đặt ra vấn đề phải sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã. Vì sao, thưa ông ?

Vấn đề được đặt ra vì lợi ích của nông dân. Đây là tầng lớp nghèo nhất, chiếm tới 60% lực lượng lao động trong xã hội, đang phải đảm đương một lĩnh vực cơ bản của nền kinh tế là sản xuất nông nghiệp. Khi hội nhập kinh tế thế giới, cạnh tranh thị trường ngày càng khắc nghiệt trong khi các tổ chức sản xuất của nông dân rất rời rạc. Họ tạo ra sản phẩm cơ bản nhưng không được chia sẻ đầy đủ lợi ích từ tiêu thụ và chế biến nông sản nên nguy cơ bất ổn xã hội vẫn tiềm ẩn.

Cả nước hiện có 6.631 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 46% tổng số hợp tác xã thuộc các ngành nghề. Lượng xã viên hợp tác xã nông nghiệp là 5,3 triệu người, chiếm 70% tổng số xã viên. Số hộ nông dân trong các hợp tác xã chiếm tới 44%. Lượng lao động đông đảo như vậy nhưng thành phần kinh tế tập thể đang gặp nhiều hạn chế khi đóng góp của thành phần này vào tổng thu nhập quốc dân (GDP) giảm liên tục trong 15 năm vừa qua, hiện chỉ chiếm 5,66%. Trong khi kinh tế Nhà nước chiếm 35,13%, kinh tế tư nhân chiếm 11.02% và kinh tế cá thể đóng góp 30,07%... Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tập thể vào năm 1995 là 104,48%, năm 2000 là 105,4% nhưng đến 2009 chỉ còn 102,85%.

Những yếu kém kể trên bắt nguồn từ hạn chế của bản thân hợp tác xã và Luật Hợp tác xã. Từ đó, có quá nhiều hợp tác xã hình thức, có đến 3.040 hợp tác xã có tên nhưng thực chất là không hoạt động. Nhiều hợp tác xã lúng túng trong tổ chức hoạt động nên hiệu quả thấp, chưa mang lại nhiều lợi ích cho xã viên. Các hợp tác xã chưa hấp dẫn nhân dân và các tổ chức kinh tế tham gia.

Vậy theo ý kiến của ông thì xu hướng mới phát triển hợp tác xã hiện nay nên ra sao?

Chúng tôi nhận thấy mô hình hợp tác xã hiện chưa được làm rõ về bản chất. Số đông còn hiểu hợp tác xã như là một doanh nghiệp. Điều này tác động đến nhận thức về lợi, nghĩa vụ của xã viên, về cách tổ chức quản lý, tài chính, tài sản và phân phối trong hợp tác xã. Từ đó, xã viên chưa thật sự là chủ, chỉ là xã viên hình thức.

Các hợp tác xã nông nghiệp đa phần chỉ mới cung cấp một số dịch vụ đầu vào, rất ít dịch vụ tiêu thụ, chế biến. Việc tổ chức thi hành Luật Hợp tác xã còn yếu, hầu như không tiến hành thanh tra, kiểm tra thi hành luật, chưa có chế tài nghiêm xử lý vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, sự minh bạch trong kế toán, kiểm toán hợp tác xã còn thiếu các quy định. Tổ chức Liên hiệp các hợp tác xã đã hình thành nhưng vẫn chưa phát huy được mô hình. Nếu hiểu hợp tác xã như một doanh nghiệp thì có lẽ không cần phải có Luật Hợp tác xã làm gì.

Trong mô hình kinh tế tập thể, hiện có đến 350.000 tổ hợp tác với gần 4 triệu thành viên. Tổ hợp tác rất gần với bản chất tổ chức hợp tác xã nhưng lại được điều chỉnh bởi 2 Luật khác nhau là Luật Hợp tác xã và Bộ luật Dân sự.

Bản chất tổ chức hợp tác xã phổ biến trên thế giới là nhằm phục vụ xã viên, trong đó có hợp tác xã của người lao động. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hợp tác xã cũng nhấn mạnh: hợp tác xã phục vụ xã viên; “hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ”. Do đó, định hướng sửa đổi, bổ sung Luật hợp tác xã phải làm rõ bản chất hợp tác xã.

Hợp tác xã nhằm phục vụ xã viên trong khi doanh nghiệp phục vụ thị trường đại chúng. Xã viên đồng thời là chủ sở hữu, đồng thời là người sử dụng dịch vụ của hợp tác xã. Hợp tác xã bảo đảm chia lãi theo mức độ sử dụng dịch vụ. Nền tảng của hợp tác xã là hợp tác. Theo đó xã viên có nhu cầu chung sẽ được đáp ứng bởi hợp tác xã trong khi hoạt động kinh tế thành viên vẫn tự chủ và bảo đảm sự bình đẳng giữa các thành viên trong sự hợp tác. Liên hiệp hợp tác xã là hợp tác xã của các hợp tác xã, liên kết xã viên theo quy mô lớn hơn.

Có ý kiến nói rằng, người nông dân có nhu cầu giải quyết lợi ích chung nhưng nhiều nơi vẫn ngán ngại vào hợp tác xã vì cấp ủy, chính quyền địa phương thích “cơ cấu” ban chủ nhiệm đa phần là những người ít năng lực, không được tín nhiệm. Nhiều hợp tác xã nông nghiệp lại "năng động" bằng cách thành lập các doanh nghiệp trực thuộc. Ông đánh giá thế nào về các hiện tượng này?

Việc “cơ cấu” ban chủ nhiệm cứng nhắc rõ ràng là đi ngược với Luật Hợp tác xã. Mục đích của hợp tác xã kiểu mới là tạo được 2 kênh tăng trưởng kinh tế cho bản thân hợp tác xã và kinh tế xã viên, qua đó nâng cao sức cạnh tranh thị trường. Hợp tác xã là tổ chức gắn kết cả hoạt động nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, tức kết hợp cả sản xuất, chế biến, tiêu thụ nên cần người lãnh đạo có năng lực, do xã viên công khai bầu chọn. Người nông dân vẫn là hộ kinh tế tự chủ, độc lập, không bị hợp tác xã “nuốt” vì họ được chia sẻ lợi ích trong cả chế biến, tiêu thụ. Khi giá trị hợp tác xã được phát huy thì xã viên càng nâng cao tinh thần đoàn kết, tính trung thực, bình đẳng và giúp đỡ lẫn nhau.

Nhiều hợp tác xã muốn phát huy lợi ích kinh tế bằng các thành lập từng doanh nghiệp trực thuộc theo từng ngành nghề. Doanh nghiệp của hợp tác xã chịu chi phối bởi Luật doanh nghiệp. Nhưng khi các doanh nghiệp này phục vụ cho nhu cầu xã viên thì xã viên được hưởng lợi ích theo Luật Hợp tác xã. Điều này hoàn toàn thuận lợi.
Theo ▪ HƯNG VĂN - VnEconomy